Trang thông tin điện tử xã UBND Diễn Ngọc - xadienngoc.gov.vn

https://xadienngoc.gov.vn


Diễn Ngọc: Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống

Với lợi thế là xã vùng biển, nghề chính là khai thác, đánh bắt thủy sản và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đang từng bước “chuyển mình” trở thành vùng kinh tế năng động đi lên từ những làng nghề truyền thống.
Diễn Ngọc: Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống

Phát triển tiềm năng kinh tế biển, gắn với thương mại, dịch vụ

Với lợi thế là xã vùng biển, nghề chính là khai thác và đánh bắt thủy sản các loại, sản lượng khai thác dồi dào… đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm chế biến thủy sản của xã rất phong phú, đa dạng từ nước mắm, cá phi lê, đồ thủy hải sản sơ chế tươi, khô, chế biến cá tạp,… và tại đây đã hình thành các làng nghề chế biến thủy sản. Điển hình đó là làng nghề Ngọc Văn, năm 2018 làng nghề Ngọc Văn được UBND tỉnh công nhận “làng nghề chế biến thủy hải sản”. 


Trên địa bàn xã Diễn Ngọc hiện nay có 14 tổ hợp tác xã khai thác thủy sản, mỗi hợp tác xã có từ 5-7 tàu đánh bắt trên biển. Để phát triển các tổ hợp tác khai thác thủy sản, Đảng ủy, UBND xã đã hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các tổ hợp tác xã với tổng kinh phí là 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến thủy sản để sản xuất tập trung; tu sửa, nâng cấp đường giao thông, xây kè chắn sóng, tạo điểm neo đậu tàu thuyền khi vào tránh bão.
 

Anh-tin-bai

 Với 337 phương tiện đánh bắt xa bờ, mỗi năm xã Diễn Ngọc khai thác từ 16.000 đến 17.000 tấn hải sản, chiếm 50% tổng sản lượng hải sản toàn huyện


Với 38 cơ sở sản xuất và chế biến thủy sản; 337 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có 106 tàu có công suất máy từ 90 CV trở lên; trung bình mỗi năm xã Diễn Ngọc khai thác từ 16.000 đến 17.000 tấn hải sản, chiếm 50% tổng sản lượng hải sản toàn huyện. Tổng giá trị sản xuất (năm 2021) trên địa bàn xã đạt 490 tỷ đồng/năm, trong đó doanh thu từ nghề biển đạt 450 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn xã có 41 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng tiền thuế và các công trình phúc lợi xã hội.


Phát triển làng nghề bánh đa truyền thống

Bên cạnh nghề chế biến thuỷ hải sản, nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp cũng đã trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn xã; trong đó có làng nghề bánh đa truyền thống nổi tiếng tại hai xóm Hồng Yên và Trường Tiến. Trên địa bàn 2 xóm trên có 25 cơ sở sản xuất bánh đa (bánh khô) và bánh đa nem có công suất 400-500kg/ngày.
 

Anh-tin-bai

 Phơi bánh ở xóm Hồng Yên, xã Diễn Ngọc


Ông Nguyễn Văn Sáu, xóm Hồng Yên là một trong những hộ làm bánh lâu đời ở đây cho biết, nghề làm bánh đa thủ công truyền thống ở Hồng Yên đã có từ rất lâu đời và được các thế hệ con cháu sau này tiếp nối. Trước đây, các hộ gia đình chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, tốn nhiều công đoạn, năng suất lại thấp. Nhưng từ khi được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm nồi hấp, máy tráng, chú trọng hơn về hình thức, chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản phẩm bánh đa Hồng Yên đã rời khỏi “chợ quê”, từng bước tìm đến các thị trường trong và ngoài tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung… Đến năm 2012, thương hiệu Bánh đa Hồng Yên và Trường Tiến đã vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp.


Cùng với hộ gia đình ông Sáu, hộ gia đình chị Hiền Trang cũng là một trong những hộ dân làm bánh lâu năm trong làng cho biết thêm: Các công đoạn làm bánh đa và bánh đa nem không quá phức tạp nhưng để bánh dẻo, bắt mắt, đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng cần có kỹ thuật và kinh nghiệm, đòi hỏi cần sự kiên trì và chịu khó. Vì vậy, đa phần lao động chủ yếu làm nghề đều là nữ. Hiện nay, Diễn Ngọc có khoảng 500 lao động làm nghề với mức thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, đem lại cho người dân việc làm và nguồn thu nhập ổn định.


Theo nhiều người dân tại địa phương cho biết, nhờ làm bánh, bộ mặt nông thôn và thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Nhiều hộ gia đình có mức thu nhập bình quân từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Anh-tin-bai

 Đường vào xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu hôm nay


Giờ đây, Diễn Ngọc đang dần trở thành một trong những xã phát triển kinh tế năng động, góp phần đắc lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện Diễn Châu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2% .Tổng thu nhập năm 2021 của xã đạt 950 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm. Các tiêu chí khác như xây dựng đường, trường, trạm, nhà văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đều đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng cao. Số hộ nghèo trên địa bàn xã ngày càng giảm qua các năm, hiện chỉ còn 0,73%.


Tự hào về sự thay đổi tích cực của quê hương, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc chia sẻ, để làng nghề phát triển bền vững, trong thời gian tới xã tiếp tục phát huy hơn nữa thế mạnh của địa phương, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của các làng nghề. Bên cạnh đó, xã tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng thêm các hạng mục như nhà sơ chế, sân phơi, giao thông, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trang bị máy móc trong các khâu chế biến, đóng gói để sản phẩm làm ra đáp ứng hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. 


Cùng với đó, xã chú trọng xây dựng, đào tạo hệ thống nguồn lực, khai thác thế mạnh từ đội tàu hoạt động xa bờ để khai thác được nhiều mặt hàng có trị xuất khẩu cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ, chú ý đào tạo nguồn nhân lực; quy hoạch lại không gian sản xuất, phát triển các làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, tuân thủ quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong làng nghề, …

Nguồn tin: xadienngoc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây